Muốn con ngoan biết chào hỏi lễ phép, ba mẹ chỉ cần ghi nhớ những điều này.
1. Tại sao lời chào lại quan trọng?
Lời chào lễ phép đóng vai trò là bước khởi đầu cho các kỹ năng trò chuyện cơ bản và định hình những gì người khác nghĩ và nhớ về con bạn. Cách một đứa trẻ thể hiện bản thân khi gặp gỡ người khác nói lên nhiều điều về cách giáo dưỡng của gia đình.
Chào hỏi mọi người một cách lịch sự và tự tin là một kỹ năng quan trọng sẽ theo bé suốt quá trình trưởng thành. Bằng cách giáo dục từ nhỏ, cha mẹ có thể giúp những đứa trẻ hướng nội hoặc nhút nhát trở nên tự tin hơn trong giao tiếp. Đồng thời, những đứa trẻ hướng ngoại có thể được hướng dẫn để học cách kiên nhẫn và cư xử lễ phép hơn thay vì bộp chộp “tăng động”.
Đừng xem nhẹ kỹ năng này nếu cha mẹ không muốn trẻ khi lớn lên trở nên lúng túng, nhút nhát hoặc không thoải mái khi giao tiếp với mọi người. Hãy rèn luyện cho trẻ kỹ năng này từ khi còn nhỏ bạn nhé!
2. Các cách dạy trẻ chào hỏi mọi người
Thời gian tiếp thu phương pháp giáo dục từ cha mẹ là khác nhau ở mỗi trẻ. Với một số trẻ thì khá nhanh chóng và dễ dàng, một số khác thì cần nhiều sự hướng dẫn hơn. Do đó, dạy trẻ cách cư xử lễ phép hay các kỹ năng xã hội có thể cần nhiều sự kiên nhẫn từ cha mẹ.
May mắn thay, các phương pháp dạy trẻ cách chào hỏi rất đơn giản để thực hành ở nhà. Cha mẹ có thể thực hành với trẻ bằng cách làm mẫu cho trẻ nhìn và củng cố thông qua tập luyện mỗi ngày.
Đưa ra hướng dẫn rõ ràng cho trẻ
Trẻ thường học cách chào hỏi bằng cách bắt chước những gì chúng thấy. Vì vậy, sự hướng dẫn rõ ràng sẽ giúp việc giáo dục trẻ trở nên dễ dàng hơn. Hãy nói cho trẻ biết chính xác những gì bạn muốn trẻ nói và làm trong các cuộc đối thoại.
Ví dụ: Nếu bạn muốn trẻ sử dụng kính ngữ như “Con chào ông bà ạ” khi chào hỏi người lớn, hãy nói trẻ biết. Nếu bạn mong trẻ mở lời chào hỏi trước khi gặp người lớn, hãy nói với trẻ.
Chào hỏi bằng cách bắt tay
Ngay cả những đứa trẻ mẫu giáo cũng có thể chào hỏi bằng cách bắt tay. Hãy dạy trẻ chào hỏi bằng cách bắt tay thông qua các trò chơi nhập vai. Cha mẹ nên tập luyện thường xuyên cùng trẻ và khiến con chào bạn bằng một cái bắt tay đầy tự tin.
Nói trẻ đứng lên trước khi nói lời chào
Nếu trẻ đang ngồi và một vị khách hoặc người quen đến gần chào hỏi, hãy dạy trẻ đứng dậy trước khi nói lời chào. Như vậy sẽ lễ phép và thể hiện sự tôn trọng với người lớn.
Biến lời chào thành phản xạ
Cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình có thể giác dục trẻ bằng cách chơi trò nhập vai. Hãy thử nhiều vai diễn khác nhau như lính cứu hỏa, cảnh sát, bác sĩ hay thậm chí là các con vật dễ thương. Mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn khi trẻ thực hành kỹ năng này nhiều lần. Càng có cơ hội luyện tập, chào hỏi sẽ dần trở thành phản xạ của trẻ.
Luôn động viên và khen ngợi con
Phản hồi lại ngay với trẻ sau khi chúng mở lời chào hỏi người khác. Nếu trẻ không thể nói câu "Con chào cô chú ạ" một cách hoàn chỉnh, trước hết cha mẹ hãy trấn an con. Nói cho trẻ biết rằng chúng sẽ làm tốt hơn vào lần sau. Nếu trẻ biểu hiện sự chán nản hoặc cảm thấy mình đã làm sai, hãy khuyến khích chúng ghi nhớ và học hỏi từ kinh nghiệm này để không mắc cùng một lỗi vào các lần chào hỏi khác.
Khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, hãy nói với trẻ rằng bạn tự hào như thế nào vì con đã cư xử lễ phép. Hãy tạo những trải nghiệm tích cực và khen ngợi khi bé làm tốt thay vì đánh mắng bạn nhé!
Làm mọi thứ trở nên thú vị
Thay vì giáo dục một cách cứng nhắc, hãy biến giờ học giao tiếp thành khoảng thời gian vui vẻ và kết nối giữa trẻ với cha mẹ. Đừng chỉ trình bày khô khan như một việc nhỏ nhặt mà trẻ phải làm. Hãy khiến mọi thứ trở nên vui vẻ và nhớ dành nhiều lời khen khi bé làm đúng.
Giải thích cho con hiểu rằng khi bé chào hỏi mọi người một cách lịch sự, họ sẽ đánh giá cao bé và muốn tiếp xúc với bé nhiều hơn. Thêm vào đó, bạn cũng sẽ rất hài lòng và tự hào về bé.
Khuyến khích trẻ giao tiếp bằng mắt
Trẻ có thể cảm thấy ngại ngùng khi nhìn vào mắt người khác, nhưng giao tiếp bằng mắt là một phần quan trọng khi chào hỏi. Cha mẹ hãy thử gợi ý con tìm kiếm màu mắt của mọi người khi nói chuyện. Cách này có thể giúp trẻ bớt căng thẳng và cảm thấy thú vị hơn.
Dạy trẻ vài câu đối thoại ngắn cho cuộc nói chuyện tốt đẹp
Trước khi đưa trẻ đến nơi công cộng, cha mẹ có thể tóm tắt vài cụm từ ngắn mà bé có thể ghi nhớ và nói với người lớn.
Ví dụ: Dặn trẻ rằng nếu có ai hỏi “Con dạo này khỏe không”, con có thể trả lời "Dạ khoẻ ạ”. Hay “Con mấy tuổi rồi?”, thì con có thể đáp “Dạ 4 tuổi ạ”
Cho trẻ nghe và lặp lại một số cụm từ ngắn và đơn giản có thể giúp trẻ bớt áp lực khi nghĩ về những điều cần nói. Điều này cũng liên quan đến vấn đề an toàn do có thể ngăn trẻ cung cấp quá nhiều thông tin cho người khác.