Ngày nay, do yêu cầu của công việc, nhiều bậc phụ huynh cần gửi con đi học sớm. Cùng với điều đó là trẻ 18- 36 tháng tuổi được gửi ở trường mầm non. Việc bé khóc khi mới đi học là điều không thể tránh khỏi. Bé khóc nhiều sẽ kéo theo các triệu chứng sổ mũi, ho. Đồng thời, nếu trường có camera, phụ huynh có thể theo dõi từ xa, họ sẽ lo lắng cho con. Hơn nữa, việc nghe bé khóc quá nhiều sẽ làm cho giáo viên căng thẳng. Vì vậy bài viết này sẽ phân tích một số nguyên nhân và gợi ý các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng trên.
Nguyên nhân
Mỗi một trẻ khi đi học sẽ trải qua chu trình Yêu- ghét- yêu: lần đầu tiên bé đến làm quen với trường, bé rất thích vì được đi cùng ba mẹ, được chơi, trẻ vô tư nghĩ trẻ đang đi chơi như các lần đi khu vui chơi với ba mẹ. Đây chính là giai đoạn đầu: “Yêu”. Khi trẻ chính thức được đi học, cha mẹ không còn ở bên cạnh. Lúc này môi trường xung quanh lạ, các cô và các bạn cũng xa lạ, nếp sinh hoạt không giống như ở nhà. Đặc biệt, đối với trẻ thường gắn bó với mẹ thì việc xa mẹ là một điều rất khủng khiếp với trẻ. Chính vì vậy trẻ hoang mang và sợ đi học, chúng ta gọi là giai đoạn “Ghét”. Theo thời gian, trẻ quen với môi trường tâm lý và vật chất xung quanh, nhận ra đi học rất vui vì được học, được chơi-tập, được hoạt động với đồ vật. Vì thế giai đoạn này gọi là “Yêu”. Để đạt được giai đoạn yêu cuối cùng, trẻ phải trải qua giai đoạn “Ghét”. Trẻ sẽ khóc trong thời gian đầu đi học. Có những bé nhanh thích nghi, chỉ khóc trong một tuần rồi từ đó rất thích đi học. Tuy nhiên, cũng có những bé sẽ khóc rất lâu trong ngày và kéo dài một tháng. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Biện pháp khắc phục tình trạng bé mới đi học khóc nhiều
Thay vì để bé khóc, giáo viên hãy cho bé thực hiện các hành động phụ huynh ở nhà thường cho bé làm để trấn an bé. Giáo viên giao tiếp với phụ huynh hoặc dựa vào phiếu thông tin trẻ trong hồ sơ nhập học để nắm được các thói quen ở nhà phụ huynh hay áp dụng. Có những bé được trấn an bằng ti giả. Có một số bé không khóc nữa khi được cho nằm xuống giường lưới ôm khăn (hoặc mền). Có bé chỉ thích ngồi nhìn cô và bạn, không thích tham gia hoạt động thì giáo viên nên để bé được tự do, không áp đặt bé phải hoạt động như các bạn. Bên cạnh đó, cô nên cho phép trẻ mang các vật dụng thân quen ở nhà: gối, đồ chơi, mền, khăn sữa,… Việc cho bé mang một món đồ quen thuộc ở nhà theo giúp bé có có một “chỗ dựa”, để bé tự an ủi mình.
Tạo cho bé sự yêu thương, an tâm khi ở với cô. Trẻ nhỏ cần được yêu thương. Khi không có mẹ bên cạnh, trẻ rất cần sự yêu thương của cô giáo để có an toàn. Vì vậy, giáo viên hãy cho bé ngồi trong lòng cô, khi tổ chức hoạt động dạy học, để trẻ dễ dàng hòa nhập dần vào lớp học. Sau đó, giáo viên sẽ dùng đồ chơi trong lớp để thu hút bé, giúp bé quên việc khóc và tách bé dần dần khỏi cô. Cũng với mục đích trên, giáo viên còn thể sử dụng nhạc và khả năng hát, vận động minh họa để hát, hoặc các trò chơi ngắn “con thỏ”, “con cá vàng bơi” “Bên này một con chim xinh”… để thu hút trẻ.
Hình ảnh: Giáo viên sẽ dùng đồ chơi trong lớp để thu hút bé, giúp bé quên việc khóc và tách bé dần dần khỏi cô
Hình ảnh: Giáo viên sử dụng nhạc và khả năng hát, vận động minh họa để thu hút trẻ
Trên đây là bài viết phân tích nguyên nhân và gợi ý các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng bé mới đi học còn khóc nhiều. Từ đó giúp bé vui vẻ khi đi học và giáo viên không còn bị áp lực vì phải nghe tiếng khóc của trẻ nữa.