12- 18 tháng tuổi được xem là “độ tuổi vàng” để trẻ phát triển tính cách, khả năng giao tiếp xã hội. Bởi ở độ tuổi trên 18 tháng, bé đã biết đi, có thể theo các bạn để tham gia các hoạt động, di chuyển ở trường như đi ra nhà ăn, đi dạo… mà cô giáo không phải bế. Ở độ tuổi này, bé cũng đã có một số kỹ năng tự lập nhất định, con bước đầu biết tự xúc ăn dù còn rơi vãi và chưa khéo, biết đội mũ, đi dép...Bé cũng bắt đầu biết nói các câu đơn, biết bày tỏ nhu cầu và mong muốn của mình bằng các câu ngắn, nhờ đó có thể thông báo cho cô giáo các nhu cầu của mình. Bé cũng ít nhiều bày tỏ được cảm xúc của mình với bố mẹ về giáo viên hay việc đi học. Do vậy, việc cho trẻ đi học sớm sẽ có một số lợi ích nhất định.
Khi trẻ tới trường sẽ được chăm nom, dạy dỗ đúng cách từ những cô giáo được đào tạo, với cách hướng dẫn dễ hiểu, bài bản khoa học do đó trẻ sẽ tiếp thu và xử lý thông tin nhanh biết hơn. Trong một cuộc khảo sát gần đây khi hỏi những phụ huynh cho trẻ đi học sớm đều trả lời khi cho bé đi học sớm con nhanh biết nói, nhanh biết đi và nhận thức thế giới xung quanh, thường xuyên đặt câu hỏi và đưa ra ý kiến nhiều hơn.
Trong môi trường mầm non bé được vui chơi, kết bạn, khám phá nhiều sự vật hiện tượng, thế giới chắc chắn sẽ giúp trẻ khám phá bản thân, bộc lộ nhiều khả năng hơn khi ở nhà một mình với giúp việc hoặc ông bà. Con sẽ sớm học được cách hòa đồng với tập thể, giúp con trong việc hình thành thói quen làm việc nhóm sau này .Chính điều này giúp trẻ tiếp xúc và dần dần hình thành những kỹ năng sống có lợi một cách tự nhiên nhất.
Nếu cho con đi nhà trẻ sớm, chắc chắn bố mẹ sẽ phải bất ngờ với sự tự lập của con đấy. Trẻ ở nhà thường rất dễ ỷ lại, sinh ra tính mè nheo và nhõng nhẽo. Nhưng đi học, con không thể ỷ lại mà phải tự lập. Dưới sự động viên của giáo viên và sự cổ vũ của bạn bè bé sẽ có tinh thần tự làm nhiều công việc phục vụ cho bản thân mà không dựa vào các bậc cha mẹ như tự đi giày dép, mặc áo khoác khi ra ngoài, tự dọn đồ chơi, tự chơi nữa và rửa tay khi tay bẩn hoặc trước bữa ăn mà không cần ai giúp đỡ. Sự tự lập cũng khiến bé hình thành những thói quen tốt, lối tự duy chủ động, sẵn sàng đương đầu với khó khăn chứ không rụt rè ỷ lại.