“Con không ăn là ông Kẹ tới bắt đi đấy!”
“Con nín ngay không là chú công an đến bắt bây giờ!”
“Không phá nữa, mẹ gọi bác sĩ tới chích thuốc đó”
Không ít các bậc cha mẹ đã sử dụng phương thức dọa nạt con mỗi khi con biếng ăn, con nghịch phá, không nghe lời… Cách giáo dục này có thể mang lại hiệu quả tức thì nhưng cũng vô tình tạo nên những mảng tối trong tâm hồn non nớt của trẻ thơ, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm lý và nhân cách sau này của con trẻ.
Cha mẹ thân mến, tâm hồn con trẻ rất non nớt, con chưa đủ nhận thức để biết ông Kẹ/ ông Ba Bị là không có thật hay khóc là sẽ bị chú công an bắt liệu có đúng hay không… Vì thế, xin đừng làm tổn thương con bằng những câu dọa “vô tâm” như thế.
Những câu nói ấy có thể sẽ làm con luôn sống trong nỗi sợ; từ đó khiến con trở nên nhút nhát hơn, tự ti, cả nể, không dám thể hiện cá tính và khả năng mà con có.
Đồng thời, con còn có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt đâu là tốt, đâu là xấu; hoặc con sẽ có xu hướng bốc đồng, hung hăn, thị uy và uy hiếp người khác để đạt được mục đích của mình… Khi con có những tính cách này, con sẽ khó đạt được thành công và hạnh phúc khi lớn lên. Tệ hơn, một số trẻ có thể mắc chứng trầm cảm, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý của con.
Thật sự, không phải con nhất nhất nghe lời là tốt cha mẹ à. Cha mẹ đừng nên dùng cách giáo dục dọa dẫm với mục đích để con nghe lời, để thể hiện cái uy của người lớn. Mỗi đứa trẻ sẽ có nét tính cách riêng biệt của bản thân. Cha mẹ hãy nên là người kiên nhẫn, biết lắng nghe, thấu hiểu và chỉ cho con những hướng đi đúng đắn.
Những khi con quấy phá, nghịch ngợm, trước tiên cha mẹ nên bình tĩnh, khéo léo tiếp cận để tìm hiểu vì sao con lại có hành động như vậy. Khi đã biết được nguyên nhân, cha mẹ hãy nhẹ nhàng chỉ dẫn con cách vượt qua. Đồng thời hãy luôn bên cạnh ghi nhận, khen ngợi con đúng lúc khi con làm tốt điều gì đó, cũng như nhập tâm cho con những ngôn từ tích cực, những bài học bổ ích thay vì dọa dẫm, “khủng bố” tinh thần của con.