“Thương cho roi cho vọt”, cha mẹ thường lấy ví dụ điển hình này để làm cái cớ bào chữa cho mình khi la mắng, phạt đòn con với lý do tưởng chừng khá logic “thương con thì phải đóng vai ác” để con trưởng thành hơn. Liệu điều đó có thật sự hữu ích cho sự phát triển của con như chúng ta vẫn lầm tưởng hay chính do bởi ba mẹ thiếu tri thức, kiên nhẫn, ngôn từ ngay lành để chỉ dạy con bằng lẽ phải một cách văn minh? Ba mẹ à, la mắng, xúc phạm, dạy con bằng đòn roi có thể khiến con lớn nhưng lại đau đớn và mang đầy vết xước ba mẹ có biết chăng?
Con còn nhỏ dại, còn chưa đủ nhận thức và kỹ năng để làm tròn mọi việc, và khi con làm chưa đúng theo ý ba mẹ hoặc lỡ làm sai việc gì đó, con cần lắm được ba mẹ cảm thông, thấu hiểu và từ tốn chỉ cho con cách làm từng bước từng bước cụ thể, cho con cách quan sát, nhìn nhận vấn đề đa chiều để đưa ra quyết định sáng suốt… và từ đó con trở nên khéo léo, khôn ngoan hơn mỗi ngày. Nếu ba mẹ la mắng, đánh đòn bé khi con làm sai, trẻ sẽ học được gì? Có thể ba mẹ thấy cái uy của mình ngay tức khắc và thỏa cơn thịnh nộ, và nghĩ rằng “phải mắng, phải đánh thì nó mới biết mở mắt ra mà làm tốt hơn”. Nhưng không đâu, bé có thể sợ và nem nép làm theo ý của ba mẹ, nhưng bên trong con sẽ bị tổn thương, trở nên nhút nhát, thu mình chẳng còn dám khám phá, học hỏi nữa, hoặc con sẽ bất mãn và giấu ba mẹ để tự mình tò mò làm mọi thứ. Trẻ nghĩ rằng bạo lực là cách giải quyết vấn đề và dễ có xu hướng áp đặt, bốc đồng, làm tổn thương người khác trong tương lai... Lợi bất cập hại, nó chỉ có thể từng chút một đẩy ba mẹ ra xa khỏi con cái chứ chẳng thể nào xích lại gần nhau.
Ba mẹ thường cho rằng con răm rắp nghe lời thì mới là tốt, là ngoan và cha mẹ hãnh diện khi được người khác khen “anh chị cho con vào khuôn khổ tốt thế”. Vâng, nhưng cũng cần bàn kĩ xem “cái khuôn” ấy có chất lượng ra sao, sẽ nặn con nên thành hình gì trong tương lai trước đã.
Khi con không nghe theo lời ba mẹ, nếu ba mẹ vội chụp mũ rằng con bướng, con cãi lời người lớn mà quát mắng, đánh đòn con thì điều đó sẽ trở thành tự kỷ ám thị rằng “con là đứa trẻ ngang bướng, hư đốn”, và trẻ sẽ trượt dài theo nhận định đó của ba mẹ mà trở thành người như thế. Trẻ sẽ khó lòng phân biệt đúng sai cũng như nhìn nhận đúng về giá trị bản thân mình.
Ba mẹ có biết không, trẻ làm trái ý ba mẹ chỉ là bởi con dám nói lên suy nghĩ và bảo vệ ý kiến bản thân mà thôi. Có bao giờ chúng ta nghĩ, cách bé phản ứng như vậy chứng tỏ con là người có chính kiến và có khả năng trình bày quan điểm, ý tưởng của mình để thu hút cơ hội trong cuộc sống? Việc ba mẹ cần làm là quan sát và giải thích để con hiểu đúng sai, và con nên cư xử, thể hiện ra sao cho đúng mực, giải quyết như thế nào để thấu tình đạt lý.
Chính chúng ta, những người trưởng thành vẫn còn luôn mong nhận được những lời nói hay, những hành động tích cực từ người khác. Vậy tại sao con trẻ lại không chứ? Tâm hồn non nớt của con còn cần những ngôn từ và thái độ, hành động ngay lành, đức độ của ba mẹ hơn rất nhiều đấy. Thay vì la mắng, quát nạt, dùng đòn roi để dạy dỗ con và in hằn lại những đau đớn bởi vết lằn đòn trên da thịt, vết xước trong tâm thức thơ dại… ba mẹ hãy trau dồi tri thức để làm ba mẹ chủ động và văn minh.