Hăm tã là một tình trạng viêm da rất dễ gặp ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh. Khi bị hăm tã, trẻ thường sẽ cảm thấy khó chịu, thường xuyên quấy khóc, kén ăn, hay giật mình và ngủ không sâu giấc. Nặng hơn, trẻ có thể bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm ở da nếu tình trạng này kéo dài.
Vậy, làm cách nào để xử lý tình trạng hăm tã ở trẻ? Một vài thông tin được Cửa Sổ Vàng tổng hợp trong bài viết dưới đây có thể sẽ có ích cho các cha mẹ. Mời cả nhà cùng theo dõi nhé!
Các triệu chứng cho thấy trẻ bị hăm tã
Trẻ bị hăm tã sẽ có những triệu chứng rõ rệt, dễ nhận thấy. Cha mẹ hãy chú ý một chút ở các biểu hiện của bé như:
- Bé tỏ ra khó chịu và giấc ngủ không còn được sâu và lâu như trước.
- Phần da tiếp xúc với tã gồm bộ phận s.inh dục, các ngấn ở đùi và mông xuất hiện tình trạng nổi mẩn đỏ.
- Vùng da bị dị ứng ở trẻ có thể khô hoặc ướt.
- Một số trường hợp có thể bị sưng, nổi mụn, gây nên tình trạng lở loét ở trên da.
- Vùng da bị tổn thương vì hăm tã sẽ rất đau, khiến bé khó chịu và quấy khóc, nhất là khi tiếp xúc với nước t.iểu.
Nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ
- Vi khuẩn xâm nhập do môi trường ẩm ướt
- Trẻ mặc tã quá chật
- Không chú ý thay tã thường xuyên cho bé
- Làn da trẻ quá nhạy cảm
- Dị ứng với chất liệu tã, giấy lau vệ sinh, bột giặt quần áo hoặc các chất trong tã
- Không lau khô da cho bé trước khi cho bé mặc tã
- Lạm dụng phấn rôm
- Cho bé mang các loại tã có chất liệu thô ráp, không thấm hút tốt
- Cho trẻ mặc quần áo bó sát, không thoáng khí
- Trẻ bị tiêu chảy cấp
Cách điều trị hăm tã ở trẻ
Hăm tã ở trẻ hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm tại nhà trong vòng 3-4 ngày, quan trọng nhất là cha mẹ phải chăm sóc trẻ một cách kiên trì, cần thận và tỉ mỉ. Khi được chăm sóc kỹ càng thì trạng hăm của con mới được cải thiện; đồng thời cũng giúp làn da của con nhanh chóng phục hồi và con không bị khó chịu. Một vài cách chăm sóc da cho bé khi bị hăm tã mà cha mẹ có thể áp dụng:
- Khi lau rửa và vệ sinh cho bé, cha mẹ cần vệ sinh kỹ các vùng da như bẹn, vùng kín ngay sau khi bé vừa đi vệ sinh xong bằng nước ấm. Sau đó sử dụng khăn bông mềm để lau cho bé rồi mới thay tã mới. Lưu ý, khi rửa, cha mẹ cần phải thật nhẹ nhàng để tránh làm bé đau hoặc xây xát da.
- Không sử dụng khăn ướt có mùi hoặc chứa cồn lau cho bé để tránh gây dị ứng
- Cần chú ý thay tã, bỉm thường xuyên cho bé, ít nhất 2 - 4 tiếng/ lần, ngay cả khi tã, bỉm còn sạch
- Không sử dụng sữa tắm, xà phòng trong thời gian bé bị hăm tã vì có thể khiến da bé bị kích ứng, tấy đỏ
- Luôn để làn da của trẻ trong tình trạng khô thoáng, không sử dụng các loại bột, kem để thoa cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ
- Mẹ hãy để cho làn da của bé được tiếp xúc với bầu không khí khô thoáng một thời gian nhất định rồi mới mặc bỉm. Như vậy, bé sẽ thấy dễ chịu hơn và các vết hăm cũng sẽ nhanh chóng phục hồi hơn.
- Sử dụng các bài thuốc dân gian từ lá khế, lá trầu không, nụ vối… cũng là cách giúp trẻ thoát được hăm tã nhanh chóng. Tuy nhiên, cần lưu ý rửa sạch những loại lá này và chỉ nên dùng khi chúng được đảm bảo chắc chắn về nguồn gốc, xuất xứ.
Trong trường hợp, các vùng da bị hăm của trẻ không có dấu hiệu cải thiện mà còn nghiêm trọng hơn thì cha mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để quá lâu ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.