Tự kỷ là một khái niệm mà nhiều người vẫn sử dụng để giải thích cho những trường hợp hạn chế giao tiếp, nhất là ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, những biểu hiện của tự kỷ vẫn khiến nhiều người nhầm lẫn với những bệnh lý khác, do đó bỏ lỡ “giai đoạn vàng” trong điều trị.
Tự kỷ hiện đang có tỷ lệ mắc rất cao trên thế giới. Trung tâm phòng và kiểm dịch Hoa Kỳ (CDC) ước tính tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ là 1 / 68 trẻ. Những nghiên cứu ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ chỉ ra tỷ lệ người mắc rối loạn phổ tự kỷ có tỷ lệ trung bình là 1% dân số, tương đương khoảng 910.000 người mắc chứng này. Hiện nay, ở nước ta, số lượng trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ đang tăng mạnh từng năm, với số lượng khoảng 20.000 trẻ. Theo thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là khuyết tật có tỷ lệ cao nhất ở trường học, trẻ tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường. Tuy nhiên, con số này chưa nói lên hết thực trạng, vì còn rất nhiều trẻ tự kỷ không thể đến trường.
Mặc dù, chứng tự kỷ chưa tìm ra cách chữa hoàn toàn nhưng nếu tìm được nguyên nhân thì sẽ giảm được số trẻ gia tăng hội chứng tự kỷ. Và trẻ tự kỷ được can thiệp sớm, đúng cách sẽ có những tiến bộ cao, hạn chế trở thành gánh nặng cho xã hội.
Nguyên nhân tự kỷ ở trẻ
Gen di truyền là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ ở trẻ. Một số biểu hiện của bệnh tự kỷ được cho là do nhóm gen quy định. Vì thế, nếu trong gia đình có người bị tự kỷ thì nguy cơ trẻ bị tự kỷ sẽ cao hơn những em bé khác.
Theo chuyên gia, bác sĩ Nguyễn Duy Cương - Người sáng lập chương trình giáo dục Cửa Sổ Vàng, nguyên nhân tự kỷ ở trẻ còn bắt nguồn về mặt cảm xúc. Em bé khi còn trong bào thai chưa hình thành não nên em bé phát triển cảm giác trước; và cảm giác này em bé lấy từ người mẹ. Thế nên, trong thời gian mang thai, mẹ bầu mà bị tổn thương, bị bạo hành về mặt tinh thần thì em bé sẽ được nuôi dưỡng trong một môi trường đầy tổn thương, stress. Sau khi ra ngoài, người mẹ lại tiếp tục bị tổn thương thì em bé cũng sẽ nhận được những tổn thương đó thông qua bầu sữa của mẹ.
Môi trường phát triển cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng tự kỷ ở trẻ. Bởi con người phát triển cảm giác trước rồi mới đến âm thanh, hình ảnh. Nhiều trường hợp trẻ sinh ra bình thường, khỏe mạnh nhưng trong quá trình lớn lên thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, cả ngày chỉ biết làm bạn với tivi, điện thoại thông minh… khiến trẻ cảm thấy cô độc. Tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài có thể dẫn đến trẻ bị tự kỷ.
Đâu là biểu hiện để cha mẹ có thể dự đoán/ nhận định trẻ có khả năng tự kỷ?
Thạc sĩ giáo dục Bùi Thị Tuyết - Phó Viện trưởng viện GD trẻ thông minh sớm VSK cho biết, đối với những trường mầm non bình thường, không phải là những trung tâm chuyên biệt nên thường sẽ không đưa ra kết luận là trẻ có bị tự kỷ hay không mà giáo viên sẽ dựa trên những biểu hiện như: Các em khó tập trung cùng với các bạn để ngồi nghe giáo viên giảng; hoặc các em khó có thể hoạt động nhóm/ làm việc nhóm; hoặc các em không giao tiếp được bằng mắt mà sẽ nhìn lơ đễnh đi đâu đó khi mà người khác đang giao tiếp với các em… Khi nhìn thấy những biểu hiện như thế này, giáo viên sẽ thông báo và tư vấn cho các cha mẹ để cha mẹ đưa các bé đi khám sàng lọc.
Làm thế nào để trẻ tự kỷ có thể hòa nhập lại với cộng đồng?
Thạc sĩ giáo dục Bùi Thị Tuyết cho hay, nhà trường không từ chối các em nhưng sẽ có giới hạn, đó là mỗi lớp chỉ nhận một em. Bởi nếu muốn các em hòa nhập nhưng không có sự hỗ trợ cá nhân thì sẽ rất khó khăn. Bản thân các em mắc chứng tự kỷ đã rất là khó khăn, nếu yêu cầu các em phải giống các bạn bình thường khác, hòa nhập ngay với các bạn khác thì càng làm các em khó khăn thêm nữa. Do đó, khi trường nhận các trẻ như thế này thường sẽ phải có những phương pháp, biện pháp để hỗ trợ các bé tốt nhất.
“Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành tăng cường thêm cô giáo để hỗ trợ cá nhân cho các em để tìm được những điểm mạnh của các em, qua đó tác động kịp thời cũng như tìm những điểm mà các em cần hỗ trợ, đặc biệt là về kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ. Điều này sẽ giúp các em có một tiến trình phát triển nhanh hơn, tận dụng được tối đa cửa sổ cơ hội, giai đoạn vàng của sự phát triển não bộ của trẻ trong giai đoạn từ 0 - 6 tuổi.” - Thạc sĩ giáo dục Bùi Thị Tuyết chia sẻ.
Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà trường thì sự đồng hành của gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng, góp phần giúp thay đổi tình trạng của những đứa trẻ tự kỷ. Chuyên gia, bác sĩ Nguyễn Duy Cương cho biết: “Chúng ta kiểm soát bản thân bằng ngôn ngữ, kiểm soát cảm xúc cũng bằng ngôn ngữ. Những đứa trẻ này thiếu ngôn ngữ để phân tích bởi vì không có ai nói chuyện với trẻ. Cho nên, những năm đầu đời, cha mẹ nên có những hành động để kích thích, khai mở cho con. Ví dụ cho con nghe những âm thanh như tiếng trống, tiếng chim hót, tiếng suối róc rách… (không nên cho bé nghe nhạc số); dành thời gian trò chuyện, đọc sách, kể chuyện cho con nghe… Những điều này sẽ giúp khai mở lại hệ thống ngôn ngữ cho con.”
Hiện nay, số lượng trẻ tự kỷ đang gia tăng. Điều này khiến nhiều cha mẹ lo lắng vì chứng tự kỷ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và tương lai của con. Vì vậy, trẻ cần sự quan tâm, đồng hành rất nhiều từ gia đình và nhà trường trong giai đoạn vàng từ 0 - 6 tuổi để các bé được phát triển trí tuệ một cách tốt nhất.