Văn học là một loại hình nghệ thuật, giữ vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ.Sự tiếp xúc thường xuyên của trẻ mẫu giáo với các tác phẩm văn học được chọn lọc sẽ kích thích ở trẻ sự nhạy cảm thẩm mỹ, phát triển ngôn ngữ và trí tuệ.
Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn, vì thế thơ rất dễ đi vào lòng người. Ngay từ thủa lọt lòng, qua lời ru ngọt ngào của mẹ, dù chưa biết thưởng thức những nhịp điệu êm dịu lúc lên bổng, lúc xuống trầm, lúc ngâm nga lời thơ đã góp phần tạo nên một thế giới tình cảm của bé. Đó là những ký ức đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách mỗi con người.
Trẻ thơ có một tâm hồn rất nhạy cảm với cái đẹp, thơ ca có vai trò quan trọng góp phần hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Thơ là một phần của cuộc sống gợi lên cho trẻ những cảm xúc lành mạnh, thơ giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh về con người, về cuộc sống xã hội xung quanh trẻ. Vì vậy thơ góp phần giáo dục thẩm mỹ và phát triển ngôn ngữ.
Qua thực tế giảng dạy tại lớp tôi thấy, để tổ chức và đạt hiệu quả cao trong việc giảng dạy trẻ mẫu giáo bé đọc thơ tôi đã thực hiện một số biện pháp sau:
1. Thực hiện phương pháp bộ môn một cách linh hoạt .
Theo kinh nghiệm của cá nhân, bản thân tôi là phải khai thác triệt để các phương pháp truyền thống (phương pháp trực quan, phương pháp đàm thoại,…) để khai thác vốn hiểu biết của trẻ và thực hiện đầy đủ các nội dung giáo dục là: đọc mẫu - giới thiệu tác giả, tác phẩm, đàm thoại, trích dẫn, giảng giải, giáo dục. Song cần thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong khi dạy sao cho tiết học nhẹ nhàng, thoải mái, sinh động và cuốn hút trẻ vào bài dạy.
Đồ dùng trực quan sinh động song phải phù hợp với chủ đề và nội dung bài dạy mà vẫn đảm bảo được yêu cầu của bài.
Qua tiết học thực hiện như vậy, không những giáo viên đạt được mục đích yêu cầu của mình đề ra, mà thông qua đó bằng các nội dung thích hợp, phong phú và hợp lí phù hợp với chủ đề, phát huy được tính tích cực của trẻ, giúp trẻ tích cực hoạt động và ghi nhớ bền lâu, lưu giữ những xúc cảm, tình cảm đã thể hiện trong bài thơ, cũng chính từ lí do đó mà cô giáo có thể khai thác vốn hiểu biết của trẻ, mà trẻ vẫn hứng thú và hoạt động tích cực. Cùng một lúc giúp trẻ đồng thời phát triển các mặt giáo dục, thể lực, trí tuệ, ngôn ngữ và tình cảm.
Như vậy, bằng sự linh hoạt khéo léo của giáo viên vừa tích hợp được nhiều nội dung giáo dục theo phương pháp chuyên đề.
2. Tạo môi trường phong phú, an toàn và hấp dẫn mang nội dung văn học.
Ví dụ: Trong lớp học việc xây dựng hình thành góc văn học là cần thiết, những hình ảnh đó đã tạo nên môi trường hấp dẫn, cuốn hút trẻ tới lớp.
+ Tranh cung cấp kiến thức
+ Góc thư viện của bé bao gồm các câu truyện dành cho trẻ mẫu giáo và thiếu nhi như: Báo Họa my, tranh ảnh, mang chủ điểm, sách truyện nước ngoài, băng hình thức, các loại sách truyện được phân loại riêng theo chủ đề và ký hiệu riêng dễ tìm, dễ lấy,…
- Ngoài ra còn tạo các mảng tường, tranh trong lớp và ngoài lớp với các nội dung của bài thơ, câu chuyện trong chương trình 3 - 4 tuổi.
Việc tạo môi trường có nội dung văn học của giáo viên trước hết là làm cho môi trường trong lớp đẹp, phong phú, hấp dẫn. Mặt khác kích thích sự chú ý của trẻ, qua đó gợi cho trẻ ôn lại bài cũ và làm quen với tác phẩm mới sắp được học. Ngoài ra giáo viên còn tạo môi trường có nội dung văn học ngoài chương trình như theo chủ điểm, để kích thích trẻ chú ý, tư duy, tưởng tượng và diễn đạt mạch lạc, kết quả là sự hoàn thiện về ngôn ngữ.
3. Sử dụng đồ dùng trực quan minh họa.
Đây là hình thức dạy học rất có hiệu quả, tuy nhiên việc sử dụng đồ dùng trực quan và việc đọc tác phẩm thơ như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Nếu đồ dùng trực quan quá xấu hoặc quá sơ sài sẽ gây sự mất tập trung, chú ý cũng như hạn chế việc cảm nhận nội dung tác phẩm của trẻ.
Đối với trẻ 3 - 4 tuổi các tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm thơ nói riêng, thông qua ngôn ngữ đọc cùng với việc tư duy trực quan bằng hình ảnh chiếm ưu thế. Trẻ có nhiều thuận lợi trong việc lĩnh hội các tác phẩm một cách nhẹ nhàng, sâu sắc. Tuy nhiên việc tiếp thu ngôn ngữ để hình thành ở trẻ biểu tượng về cuộc sống được phản ánh trong các tác phẩm còn hạn chế (nếu như đồ dùng trực quan quá đơn điệu) thì trẻ rất cần đến sự hỗ trợ của hình ảnh trực quan trong việc lĩnh hội tác phẩm.
Tuy nhiên, chất lượng nhận thức của trẻ còn phụ thuộc vào sự truyền cảm của cô và sự phối hợp với hình ảnh sao cho lời thơ với hình ảnh phải gắn kết nhau.
4. Giáo dục ở mọi lúc, mọi nơi.
Việc cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học là rất quan trọng và cần thiết.Thông qua văn học, trẻ được phát triển ngôn ngữ, cung cấp vốn từ phát triển lời nói mạch lạc.
Vì vậy, không những dạy trẻ làm quen với các tác phẩm văn học ở trên tiết học mà còn cho trẻ làm quen với các tác phẩm văn học ở mọi lúc mọi nơi.
Thông qua việc giáo dục ở mọi lúc mọi nơi với nội dung văn học giúp trẻ làm quen với tác phẩm thơ ở mọi lúc, mọi thời điểm như: Đón trả trẻ, trò chuyện buổi sáng, hoạt động ngoài trời, hoạt động góc, trước giờ ăn và hoạt động chiều,…
Ví dụ: Trước giờ ăn, ngủ cô cho trẻ đọc bài thơ về chủ đề đang thực hiện
Hình thức này phải được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục trong những điều kiện, tình huống cụ thể và thuận lợi để giáo dục trẻ. Bởi thông qua hình thức này, không những giúp trẻ làm quen với tác phẩm văn học mà qua đó còn giúp trẻ ôn luyện và nâng cao kiến thức cũ, trẻ có thể đọc diễn cảm và đóng kịch thơ.
* Bài học kinh nghiệm.
- Trước hết giáo viên phải nắm vững phương pháp bộ môn, năm được đặc điểm tâm sinh lý và khả năng nhận thức của trẻ.Từ đó có kế hoạch giáo dục với từng trẻ.
- Linh hoạt trong việc thực hiện phương pháp bộ môn.
- Tạo môi trường an toàn hấp dẫn mang nội dung văn học.
- Sử dụng đồ dùng trực quan trong việc cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học.
- Giáo dục văn học cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm trong ngày.