Vui chơi là nhu cầu cần thiết đối với sự phát triển của trẻ em. Các trò chơi dân gian của trẻ phần lớn đều gắn với những bài đồng dao có tác dụng bổ sung, làm rõ chức năng thẩm mỹ của đồng dao. Ngược lại, đồng dao có vai trò rất lớn trong trò chơi trẻ em, bởi thiếu nó thì trò chơi sẽ tẻ nhạt vô vị. Lời đồng dao đóng góp quan trọng để thực hiện chức năng giáo dục và chức năng vui chơi của trẻ, với những nhiệm vụ rất đa dạng: giáo dục nhận thức, đức, trí, thể, mỹ; luyện phát âm, cung cấp từ ngữ; bồi dưỡng tình cảm; giữ nhịp cho thao tác chơi… Việc sáng tạo các trò chơi mới cần quan tâm đến đồng dao, đặt đúng vị trí của trò chơi trong hệ thống giáo dục của chúng ta.
Sinh hoạt đồng dao có tác dụng luyện trí nhớ cho trẻ. Trẻ không thuộc bài hát thụ động mà thuộc với tất cả sự hứng thú của nó. Tham gia sinh hoạt đồng dao là đứa trẻ đã bắt đầu bước vào sinh hoạt văn hóa tập thể một cách tự nguyện.
Trong đồng dao, ngôn ngữ có tính thơ ca, có vần, có nhịp, nhưng niêm luật còn lỏng lẻo. Ngữ nghĩa không phải là yếu tố được quan tâm duy nhất, mà các em chú ý nhiều đến ngữ âm, nhịp vần. Đó là một thứ lời nói vần, một bước trung gian từ ngôn ngữ giao tiếp đến thơ dân gian. Trò chơi không thể lặng lẽ, không khí vui chơi cần được khuấy động bằng tiếng nói của những người chơi, thường là nhộn nhịp, sôi nổi và đồng loạt.