Là bậc phụ huynh, ắt hẳn đã có những lần cha mẹ cảm thấy vô cùng giận dữ khi biết con đang nói dối: “Mới bé tí tuổi/ mới nứt mắt ra mà đã biết nói dối rồi”, “Sao con lại nói dối cha mẹ? Có biết nói dối là hư không? Không ai muốn chơi cùng người nói dối đâu”...
Chúng ta luôn dạy con rằng nói dối là xấu và con không bao giờ được nói dối người lớn. Vậy, cha mẹ có biết nguyên nhân vì sao trẻ lại nói dối không? Và cha mẹ cần làm gì khi con thường xuyên nói dối? Hãy cùng Cửa Sổ
Vàng đi tìm câu trả lời cho vấn đề này nhé!
Trẻ nói dối - Nguyên nhân do đâu?
Có một sự thật phũ phàng là phần lớn nguyên nhân trẻ nói dối đều xuất phát từ người lớn. Chẳng hạn như khi cha mẹ chuẩn bị đi làm mà thấy con khóc đòi thì thường phản ứng bằng cách nói dối con: “Con đừng khóc, mẹ chạy đi đây tí rồi về ngay/ cha thấy ngoài kia có con mèo dễ thương lắm để cha đi bắt cho con chơi nhé”... Nhưng thực tế là cha mẹ đi một mạch từ sáng đến tận trưa hoặc tối mịt mới về. Hoặc khi thấy cháu ăn chậm, không chịu ngủ trưa thì ông bà lại nói dối để dọa cháu: “Cháu ngoan nè, ăn nhanh lên không thì chú công an đến bắt bây giờ”, “Ngủ đi không là ông ba bị đến bắt đi đấy”...
Khi nghe những lời nói dối này, con trẻ sẽ nghĩ như thế nào? Tất nhiên là trẻ sẽ buồn, lo lắng và thất vọng vì đợi mãi chẳng thấy cha mẹ về ngay như đã hứa. Cũng chẳng có ông ba bị, chú công an nào đến như lời ông bà mà chỉ thấy trong trẻ nỗi sợ và ác cảm vô cớ với những người đó. Việc làm này lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần trẻ sẽ vô thức học theo cách nói dối tưởng chừng vô hại đó của người lớn. Trẻ sẽ nghĩ rằng việc nói dối là bình thường vì ông bà, cha mẹ nói dối vẫn không sao thì trẻ cũng thế.
Việc cha mẹ kỳ vọng cao vào con cái cũng có thể khiến con trẻ hình thành nên tính cách nói dối. Vì trẻ sợ cha mẹ thất vọng hoặc tệ hơn là phạt mình nếu như không đạt được thành tích cao về điểm số, về thứ hạng trong lớp hoặc làm sai điều gì đó… Lúc này, trẻ sẽ có phản ứng nói dối để chống chế, bào chữa cho mình, rồi dần dần nói dối trở thành thói quen của con trẻ. Chính cha mẹ là người đã tạo cho con áp lực tâm lý dẫn đến hành vi nói dối không mong muốn.
Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ bận rộn với công việc nên thường xuyên bỏ bê con cái cũng là nguyên nhân khiến con học cách nói dối để thu hút sự quan tâm của cha mẹ. Những câu nói mang tính chất mè nheo như : “Hôm nay con đau bụng lắm, mẹ ở nhà với con nhé!”, “Đầu con đau quá cha mẹ ơi, như bị ai đánh ấy ạ”... thường được trẻ sử dụng để nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh nhiều hơn.
Một nguyên nhân khác là do trẻ chưa đủ năng lực để phân biệt đúng sai, thật giả. Con trẻ đang trong quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách nên có nhiều điều các bé chưa thể phân biệt được là điều nào nên và điều nào không nên. Chúng chỉ đơn thuần nghĩ rằng nói dối một chút cũng chẳng làm hại đến ai, mà bản thân mình cũng đạt được nhiều thứ mình mong muốn hơn, như vậy chẳng phải tốt hay sao. Vì vậy mà từ nói dối những thứ nhỏ nhặt, trẻ có thể vô thức phát triển thói quen nói dối thường xuyên và kèm theo các tật xấu như lấy c.ắp đồ hoặc tìm cách che dấu những hành vi không trung thực của mình.
Vậy làm thế nào khi trẻ thường xuyên nói dối?
Trẻ em đang ở trong độ tuổi bắt chước nên mọi hành vi từ người lớn cần được chú ý. Cha mẹ đừng nghĩ rằng chỉ có sách vở, máy móc, công nghệ mới làm trẻ hư hỏng mà chính hành vi thiếu kiểm soát của người lớn còn tạo tiền đề xấu cho trẻ.
Thay vì cha mẹ, ông bà nói dối con để đạt được điều mình muốn trước mắt thì hãy nói thật và giải thích cho trẻ hiểu. Ví dụ như trước khi cha mẹ đi làm vài tuần hoặc vài ngày, hãy thủ thỉ với bé mỗi khi có thể rằng: “Cha mẹ đi làm là để kiếm thêm thu nhập mua thức ăn cho nhà mình, mua bỉm, sữa, đồ chơi cho con… Con hãy ở nhà ngoan nhé, cha mẹ tin con là cô bé/cậu bé hiểu chuyện mà. Con sẽ làm được đúng không, con yêu?” Đồng thời cũng nên nói với bé rằng cha mẹ đi làm từ mấy giờ đến mấy giờ rồi sẽ trở về với con và dặn con ở nhà hợp tác với ông bà.
Hoặc khi muốn bé ngủ trưa thì hãy cho bé biết rằng giấc ngủ trưa là tốt cho sức khỏe, là để bé nạp thêm năng lượng và khỏe mạnh hơn, vui chơi được nhiều hơn vào buổi chiều. Cũng như khi bé lười ăn, hãy nhẹ nhàng nói với bé: “Con ăn ngoan để cao lớn, khỏe mạnh, thông minh nhé!”... Dần dần trẻ sẽ học được cách để trở thành em bé hiểu chuyện và thật thà.
Đối với những trẻ chưa có đủ năng lực để phân biệt thật giả, đúng sai. Cha mẹ hãy nên dành thời gian bên con để nhập tâm những điều ngay lành, làm gương, phân tích cho con hiểu đâu là sự thật, đâu là đúng và như thế nào là sai; để từ đó con biết phân biệt và định hình nhân cách tốt.
Khi thấy con làm sai, chưa đúng, cha mẹ đừng vội trách mắng mà hãy bình tĩnh để tìm hiểu vấn đề và chỉ dạy con bằng trái tim người mẹ dịu dàng và tấm lòng người cha bao dung, nhân từ. Hãy cho con có cơ hội được lựa chọn, tham gia, được trải nghiệm để rút ra bài học dưới sự quan sát của cha mẹ, bởi mỗi lần như thế con sẽ thêm mạnh mẽ, lớn khôn.
Tóm lại, việc cha mẹ cần làm trước tiên chính là điều chỉnh nhận thức, hành vi của chính bản thân cha mẹ. Hãy trau dồi tri thức để có cách nuôi dạy con đúng đắn, luôn nói với con sự thật bằng những lời ngay lành, làm gương tốt cho con, thiết lập những quy tắc ứng xử, hành vi trong gia đình và mọi người cần làm theo. Đồng thời, cha mẹ phải luôn nhất quán trong việc nuôi dạy con để con dễ dàng học theo, cũng như nên có biện pháp nhắc nhở, kỷ luật đúng mức khi có thành viên nào đó mắc lỗi. Có như vậy, con trẻ mới dần dần học được đức tính trung thực, thật thà, có trách nhiệm và trở thành người bạn nhỏ dễ mến, đáng tin cậy.
Nuôi dạy con là một quá trình, và nếu con có tính nói dối thường xuyên thì đó là do cha mẹ đã dạy sai con cả một quá trình trước đó rồi. La mắng, đánh đòn con chỉ càng làm mọi chuyện tệ hơn.