Khi con bị bạn đánh, bạn dạy con đánh lại hay nhắc con đi mách người lớn? Cả hai cách này đều không tốt với trẻ.
Nhiều phụ huynh gặp bối rối không biết xử lý thế nào khi con mình bị bạn đánh. Và hầu hết mọi người lựa chọn một trong hai phương án trên. Vậy phương pháp nào là tốt nhất cho con, chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ và trả lời một số các
câu hỏi sau:
1. Trẻ con đánh nhau là chuyện bình thường hay bất thường?
2. Điều gì sẽ xảy ra khi con bị bạn đánh và con đánh lại bạn?
3. Điều gì sẽ xảy ra nếu con không đánh lại và chạy đi mách cô giáo hay người lớn?
4. Vậy theo cha mẹ, cần phải dạy con như thế nào?
(Hãy dừng lại để trả lời các câu hỏi trên trước khi đọc đoạn tiếp theo).
Vấn đề này hầu hết các bố mẹ đều gặp phải. Đây là cách tôi sẽ giải quyết cho các cha mẹ:
Trước hết ta phải hiểu, trẻ con đánh nhau là chuyện hoàn toàn bình thường. Nhưng tại sao trẻ con lại đánh nhau?
Trẻ con không bao giờ biết đánh người khác nếu không được ai đó "dạy" đánh người. Đó có thể là bố mẹ, anh chị em, bạn bè, các phim bạo lực... Trẻ học được về bạo lực đơn giản cả khi thấy người lớn đánh một con chó, mèo.
Vì vậy, nếu bạn là ông bố bà mẹ không bao giờ đánh con thì cũng đừng ngạc nhiên nếu con mình có xu hướng bạo lực.
Nếu chúng ta dạy "Con không được đánh bạn, phải chơi hòa bình với bạn, nhưng bạn đánh con mẹ cho con quyền đánh lại?". Điều này giống như một quả bóng bàn vậy, người này đánh qua, người kia đánh lại thì đến bao giờ mới dừng lại? Và làm sao để có được hòa bình khi mọi người cứ đánh qua đánh lại nhau như thế?
Chưa nói đến hậu quả của những trận đánh nhau. Bé thì những chuyện đánh nhau chỉ đơn giản là cái đập tay đá chân, nhưng lớn hơn, con gặp những câu chuyện lớn hơn, hành động bạo lực lúc đó cũng không còn đơn thuần là cái đập tay đá chân bình thường, mà có thể dùng đến cả vũ khí.
Điều gì sẽ xảy ra nếu con ghi nhớ câu "có quyền đánh lại để tự vệ" và liệu tự vệ có phải là cách an toàn nhất để bảo vệ được con của bạn?
Thế nhưng, nếu dạy cho con hòa bình bằng cách không đánh lại bạn mà chạy đi mách cô giáo hay người lớn, thì con bạn sẽ trở thành một đứa trẻ như thế nào?
Chúng ta hãy nghĩ đến khả năng tự tin, tự lập của trẻ. Trẻ có nhận lại hòa bình thực sự mỗi khi giải quyết mâu thuẫn bằng cách mách người lớn không? Rồi điều gì sẽ xảy ra khi con không tự giải quyết được vấn đề của mình mà lúc nào cũng đi mách người lớn?
Đây là cách tôi hay dạy con mình và các bạn bé trong trường của tôi:
Còn cách để dạy con bảo vệ bản thân khi bị bạn đánh. Áp dụng công thức Tell - Show - Try - Do.
- Bước 1 (Tell): Hướng dẫn cho con cách xử lý (khi bị bạn đánh hay bất cứ vấn đề gì). Bàn tay để yêu thương, tay của con ở trên người con và con cũng không có quyền làm đau người khác. Và cũng không được để người khác làm đau con. Nếu con bị bạn đánh, thì con có đánh lại bạn không? / Không ạ / Đúng rồi. Nên khi bạn đánh con thì con cần giữ tay bạn lại và không cho phép bạn làm đau con.
- Bước 2 (Show): "Bây giờ mẹ sẽ làm mẫu cho con nhé". Nếu có bố thì 2 bố mẹ cùng đóng kịch làm mẫu, nếu không có bố thì 2 mẹ con cùng đóng tình huống. Để bé đóng vai đánh mẹ, mẹ giữ tay con lại, lặp lại 2,3 lần như vậy để con học được bài học đấy.
- Bước 3 (Try): Con đóng vai ngược lại để xử lý tình huống. Mẹ sẽ đóng là bạn để đánh con. Con sẽ biết cách giữ tay mẹ. Làm lại vài lần cho tới khi con học được kỹ năng ấy hoặc cho đến khi con còn hứng thú.
- Bước 4 (Do): Con sẽ áp dụng bài học này vào trong thực tế và mẹ sẽ quan sát xem con nếu gặp tình huống ấy có nhớ và áp dụng tốt không?
Nếu thấy con chưa linh hoạt thì lại dạy tiếp cho tới khi nào con áp dụng được thì thôi.
"Tell - Show - Try - Do" là phương pháp cực kỳ hiệu quả để khắc sâu vào tiềm thức mà bố mẹ có thể áp dụng để dạy con bất kỳ kỹ năng sống nào.