Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái của mình nên luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của con. Chính vì thế, đôi lúc, họ không nhận ra rằng mình đang nuông chiều con trẻ quá mức, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Theo nhà tâm lý học trẻ em Lauren Silvers tại FamilyWise Northwest (Mỹ), khi một đứa trẻ khóc lóc, ăn vạ ở siêu thị, nhiều cha mẹ sẽ ngay lập tức đáp ứng yêu cầu của con để tìm cách xoa dịu cơn
giận lẫy này. Một mặt, cha mẹ nuông chiều nhu cầu và mong muốn của con, mặt khác đây cũng là cách để giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh ngượng ngùng, khó chịu.
“Quá nuông chiều trẻ là hành vi liên quan nhiều hơn đến chính chúng ta và sự khó chịu của chúng ta bởi thấy con không vui hoặc nhìn chúng không thoải mái. Chúng ta đáp ứng trẻ, bất cần biết điều đó có mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ về lâu dài hay không” - Silvers giải thích.
Chiều con thái quá là hành vi cha mẹ làm nhiều thứ cho con vượt mức thực sự cần thiết, chẳng hạn dọn phòng giúp trẻ vì nghĩ rằng con làm vừa tốn thời gian lại không sạch bằng cha mẹ làm. Điều đó cũng đồng nghĩa với tình trạng cha mẹ gặp khó khăn trong việc đặt ra hoặc thực thi các quy tắc cho con.
Để biết liệu rằng cha mẹ có đang nuông chiều con quá mức hay không, chuyên gia Silvers cho biết cha mẹ có thể làm bài kiểm tra với 4 câu hỏi sau:
Những gì cha mẹ đang làm có cản trở việc con học những kỹ năng hỗ trợ cho sự phát triển của chúng không?
Cha mẹ có đang dành một số tiền quá lớn so với khả năng, ngân sách gia đình cho con không?
Những lựa chọn mà cha mẹ đưa ra có mang lại lợi ích cho chính cha mẹ hơn là cho con không?
Hành vi của trẻ có khả năng gây tổn hại cho người khác hay xã hội theo cách nào đó không?
Nếu trả lời “Có” cho bất kỳ câu hỏi nào, cha mẹ có khả năng đang trong trạng thái chiều chuộng con mình quá thái.
Việc để trẻ thực hiện những nhiệm vụ phù hợp với khả năng của trẻ sẽ dạy chúng những bài học quan trọng trong cuộc sống, các kỹ năng để phát triển bản thân, cũng như rèn luyện ý chí, tinh thần để vượt qua những khó khăn, thử thách. Ngoài ra còn giúp trẻ tự đặt ra những quy tắc cho bản thân và sau đó tuân thủ chúng.
Nếu trẻ đã quen với việc được cha mẹ chiều chuộng trong một thời gian dài, khi bắt đầu thiết lập lại các quy tắc, ban đầu trẻ sẽ có những phản ứng khó chịu. Tuy nhiên, về lâu dài, khi đã quen và thích nghi dần, đứa trẻ đó sẽ trở thành một người lớn có trách nhiệm và độc lập trong tương lai.
Theo triệu phú Barbara Corcoran, người dẫn chương trình Shark Tank của Mỹ, các bậc cha mẹ thường cảm thấy khó khăn khi từ chối yêu cầu của các con, nhất là khi họ có đủ điều kiện. Tuy nhiên, cha mẹ nên có cái nhìn xa hơn, rộng hơn rằng nếu cứ tiếp tục chiều theo những sở thích, thói quen không tốt của trẻ thì sẽ ảnh hưởng xấu đến tương lai của chúng. Chúng có thể trở nên hư hỏng, đua đòi và ỷ lại khi lớn lên. Để tránh những tác động tiêu cực đến con trẻ, Corcoran thường khuyến khích các con của cô kiếm việc làm nếu chúng muốn mua một thứ gì đó.
Sưu tầm